top of page
banner.jpg

Bất chấp đại dịch COVID-19, Dự án Phục hồi Rừng ngập mặn do SK Innovation phát động đạt chỉ tiêu năm 2020

Bất chấp đại dịch kéo dài, SK Innovation vẫn không ngừng nỗ lực thực thi quản lý ESG (tạm dịch là: mô hình môi trường – xã hội - quản trị) thông qua chuỗi các hoạt động ở cả trong và ngoài Hàn Quốc. Được biết, chỉ tiêu cho Dự án Phục hồi Rừng ngập mặn năm 2020 của công ty tại Việt Nam cũng như các chiến dịch giáo dục môi trường cho người dân địa phương đều đã được hoàn thành.

01 | Những nổ lực không ngừng nhằm phủ xanh rừng ngập mặn tại Việt Nam

Với 180.000 cây ngập mặn được trồng mới trên tổng diện tích 30 hec-ta tại Trà Vinh, SK Innovation đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu năm 2020 đối với Dự án Phục hồi Rừng ngập mặn tại Việt Nam. Theo đó, kể từ khi dự án bắt đầu vào tháng 5 năm 2018, Việt Nam có khoảng 340.000 cây ngập mặn được trồng mới và 70 hec-ta rừng ngập mặn được phục hồi nhờ sự chung tay của các thành viên Vietnam Social Alliance (tạm dịch: Liên minh Giá trị Xã hội Việt Nam), bao gồm cả SK Innovation.

1.jpg

Trong hai năm 2018 và 2019, Liên minh Giá trị Xã hội Việt Nam và các thành viên SK Innovation tại Hàn Quốc đã có 7 lần cùng trực tiếp tham gia Dự án Phục hồi Rừng ngập mặn tại Việt Nam mà chủ yếu diễn ra tại tỉnh Trà Vinh. Dự án lần thứ 7 còn được lồng ghép với chiến dịch “I Green We Green Vietnam” nhằm kêu gọi giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần vì môi trường Việt Nam.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động trồng rừng được giao lại cho người dân địa phương dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của Văn phòng tỉnh Trà Vinh và MangLub (Doanh nghiệp Xã hội đầu tiên ở Trà Vinh do Liên minh Giá trị Xã hội Việt Nam thành lập vào tháng 4 năm 2019). Bất chấp những khó khăn còn tồn tại, MangLub luôn không ngừng phát động trồng rừng và tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, góp phần tạo việc làm và đào tạo nghề cho người dân địa phương.

2.jpg

[Vào tháng 8 năm 2020, tình nguyện viên đại diện Liên minh Giá trị Xã hội Việt Nam tham gia trồng rừng ngập mặn tại Trà Vinh]

02 | Chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường

Bên cạnh các hoạt động trồng rừng ngập mặn, SK Innovation cũng tích cực triển khai nhiều chương trình giáo dục về đa dạng sinh học cho người dân với sự hỗ trợ của MangLub.

Việt Nam từng nằm trong số những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng và năng suất nhất thế giới với phần diện tích khổng lồ được bao phủ bởi rừng ngập mặn. Tuy nhiên vài thập kỷ trở lại đây, rừng ngập mặn tại Việt Nam được ghi nhận đã sụt giảm nghiêm trọng, phần lớn là do tác động của con người. Công tác quản lý lỏng lẻo trong việc khai thác gỗ và nuôi tôm đã đe dọa trực tiếp không chỉ hệ sinh thái rừng ngập mặn mà còn ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu. Do đó, nâng cao nhận thức cho người dân sống quanh rừng ngập mặn trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Nhận thức được nhu cầu đó, sau mỗi chuyến trồng rừng, SK Innovation luôn ghé thăm các trường tiểu học lân cận để giúp các em học sinh hiểu thêm về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường.

3.jpg

[Tập thể SK Innovation đến thăm các trường Tiểu học lân cận rừng ngập mặn tỉnh Trà Vinh (hình được chụp vào năm 2019)]

Năm nay, mặc dù không thể tổ chức các chuyến đi trực tiếp như những năm vừa rồi, nhưng thông qua MangLub, SK Innovation đã tổ chức các buổi giáo dục về môi trường cho khoảng 500 người thuộc mọi đối tượng từ học sinh tiểu học đến người lớn. Các buổi học này còn được lồng ghép cùng cuộc thi vẽ tranh và triển lãm tranh với chủ đề bảo vệ môi trường cho 200 học sinh trường tiểu học Đông Hải A, tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức chuyến đi thực tế cho trẻ em địa phương đến thăm và trực tiếp trải nghiệm vùng sinh thái rừng ngập mặn, từ đó ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ chúng.

4.jpg

[(Hình trái) Cuộc thi vẽ tranh cho học sinh trường Tiểu học Dong Hai A / (Hình phải) Phần thi Thời trang tái chế của sinh viên trường Đại học Trà Vinh]

Nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, Cuộc thi Thời trang tái chế tại trường Đại học Trà Vinh cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Tại đây, sinh viên tham gia trình diễn những bộ quần áo với nhiều kiểu dáng khác nhau bằng cách tái chế các loại nilong và nhựa – thứ thường bị bỏ đi hàng ngày. Thêm vào đó, đông đảo sinh viên cũng dành sự quan tâm sâu sắc đến buổi tọa đàm về môi trường được tổ chức tại đây nhằm nâng cao ý thức môi trường, đồng thời kêu gọi hành động thích hợp để kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.

bottom of page