Đây là hình ảnh những con hà đang bám trên các cây bần chua ở Cầu Ngang của tỉnh Trà Vinh mà MangLub VN muốn giới thiệu về loài động vật mà không phải ai cũng biết này.
Hà là loài động vật chân khớp thuộc phân ngành giáp xác (không phải thân mềm như nhiều người lầm tưởng) và là một trong những loài động vật lâu đời trên thế giới. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện có khoảng 1.220 loài hà ở khắp mọi nơi, đa số chúng đều lưỡng tính. Chúng thường sống ở vùng nước mặn, và nông và là mối đe doạ cho tàu biển cũng như công trình kiến trúc gần biển. Vì sao vậy? Vì hà sống bám trên vỏ sò, mai rùa, mai cua, thân tàu bằng kim loại, hay bất cứ vật thể rắn nào chúng bám trụ được, và qua đó gây hư hại cho những vật thể này.
Vậy con hà làm bằng cách nào? Chúng tiết ra chất axit, dùng xúc tu và vỏ để chà xát làm vỡ bề mặt vật thể. Một khi đã bám trụ được, con hà sẽ không bao giờ rời đi. Khi chúng bám trên thân tàu, thì tốc độ của tàu sẽ giảm đi 50%. Chính vì vậy, chúng làm cho ngư dân từ đó đến nay đau đầu không ít.
Những loài hà phổ biến thường là “hà đá”, “hà ngỗng” (ở Việt Nam, hà ngỗng còn được gọi là “đằng hồ”). Khác với hà đá, hà ngỗng (hay hà cổ ngỗng) lại có giá trị ẩm thực cao. Ở Tây Ban Nha, hay Quảng Ninh, Hải Phòng (VN), hà ngỗng thường xuất hiện ở những nhà hàng cao cấp vì rất khó bắt được chúng, và chúng chỉ sống tự nhiên, không thể nuôi được. 1kg hà ngỗng thường có giá 200EUR ở Tây Ban Nha.
Trở về với hình ảnh cây bần chua với chi chít những con hà dưới đây, các bạn biết đây là loại hà gì không? Tên của những bạn hà nhỏ này là Amphibalanus Improvisus, có đường kính khoảng 10mm. Loài hà này có mặt ở khắp các vùng nước biển, cửa sông khu vực khí hậu nhiệt đới, sống được cả nước lợ và nước mặn, gây tác hại rất nhiều cho sự sinh trưởng của rừng ngập mặn.
Chúng bám trên thân cây, lá cây làm cản trở quá trình trao đổi khí, và quang hợp. Đặc biệt với cây Đước đôi, chúng làm rễ đước không thể phát triển.
Trọng lượng những con hà bám làm cho cây con vừa mới trồng bị oằn mình vì hà lớn rất nhanh, và cuối cùng cây bị gãy chết.
Như đã nói, một khi hà đã bám trên vật thể, và với chất keo mà chúng tiết ra, thì sự kết dính đó hình như là mãi mãi. Ngư dân đã phải dùng lửa đốt chúng khỏi thuyền của mình mỗi khi đi đánh bắt về. Ở những thân cây này, nếu dùng dao để tách chúng khỏi thân cây, các lớp biểu bì của cây sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Do đó, đối với những diện tích rừng ngập mặn, hà vẫn là một trong những mối nguy hại được xếp vào nghiêm trọng.
Comments