CÁCH TRỒNG VÀ BẢO VỆ
BẦN CHUA
BÀI 2: CÁCH TRỒNG VÀ BẢO VỆ BẦN CHUA
Mô tả:
🌳 Ở bài trước, chúng ta đã được tìm hiểu về những giá trị quý báu mà rừng ngập mặn mang lại. Biện pháp cấp thiết để khôi phục lại vành đai xanh tuyệt vời này chính là trồng rừng.
🌳 Trong bài học này, chúng ta sẽ hóa thân thành những người trồng rừng tập sự, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc và bảo vệ một loài cây ngập mặn khá nổi tiếng của vùng đất Trà Vinh, đó chính là bần chua.
Nội dung bài học:
1. Giới thiệu về bần chua
Tên khoa học: Sonneratia caseolaris
Đặc điểm:
-
Bần sống ở vùng nước lợ với điều kiện vô cùng khắc nghiệt, bị ngâm hoàn toàn trong nước từ 6 – 12 tiếng mỗi ngày.
-
Bần thuộc loài cây thân gỗ, khi trưởng thành có thể cao đến 20m.
-
Tán lá thưa và rộng, mọc đối, phiến lá hình tròn dài, đầu nhọn, thường có màu đỏ ở cuống lá và gân chính.
-
Ngoài vai trò như các anh em ngập mặn khác, rễ bần còn được dùng làm nút bần trong rượu vang, trái có thể dùng làm thức ăn
2. Cách trồng bần chua
2.1 Thời vụ trồng
🌳 Thời điểm thích hợp nhất để trồng chúng ở Việt Nam là từ tháng 6 đến tháng 8, vì thời điểm này trong năm ít bão.
2.2 Phương thức trồng
🌳 Bần chua có thể trồng thuần loài hoặc trồng xen theo hàng với các loài khác
2.3 Quy trình trồng
🌳 Khi trồng bần chua, trước tiên bạn cần thu thập một số hạt giống từ rừng bần chua.
🌳 Sau đó, đặt hạt giống vào bầu chứa đầy đất từ khu vực địa phương và cho ngập hoàn toàn trong thủy triều, trong vườn ươm cây ngập mặn của bạn.
🌳 Sau khoảng 7-8 tháng, cây con sẽ cao từ 80-100 cm và sẵn sàng để trồng.
🌳 Tiếp theo, chúng ta cần đưa cây con ra khỏi vườn ươm ngập nước, phơi khô trong vòng 5-7 ngày để chúng cứng và ổn định trước khi trồng.
🌳 Sau khi cây con đã cứng, bạn cần vận chuyển cây con cẩn thận trong sọt bằng thuyền đến khu vực trồng đã chọn, đảm bảo không làm tổn thương rễ trên đường đi.
🌳 Khi trồng, túi nhựa bên ngoài bầu được lấy ra cẩn thận để đảm bảo rễ cây không bị gãy, hỏng. Sau đó, cây con được trồng thẳng đứng, đặt rễ xuống trong các lỗ đủ lớn để chứa tất cả các rễ của chúng. Sau đó chúng ta chỉ cần xới đất xuống để đảm bảo cây con đã được trồng chắc chắn vào đất.
🌳 Cắm cọc xuống đất bên cạnh cái cây và buộc một sợi dây giữa cọc và thân cây. Ba chiếc cọc nghiêng 45 độ, sẽ tạo nên một thế chân kiềng chắc chắn trước biển .
2.4 Cách chăm sóc
🌳 Chăm sóc rừng cần thực hiện trong 4 năm sau khi trồng.
🌳 Trong đó, 3 tháng đầu là quan trọng nhất. Chúng ta cần phải kiểm tra cây định kỳ, dọn sạch rác, thắt chặt dây nếu bị lỏng , và loại bỏ các loài giáp xác hoặc vỏ cá bám trên cây.
🌳 Nếu cây phát triển tốt, bạn chỉ cần kiểm tra cây 2-4 tháng một lần.
3. Biện pháp bảo vệ rừng sau khi trồng
Cũng như việc trồng và chăm sóc những cây ngập mặn mới, chúng ta cũng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ chúng.
-
Làm các biển báo nghiêm cấm các hoạt động khai thác, đánh bắt các loài thủy sản trong khu vực trồng rừng trong 2 năm đầu.
-
Có thể nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, bố trí người quản lí, trông coi, ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá, xâm hại rừng và phòng trừ các loài sinh vật, sâu bệnh hại.
-
Tuyên truyền, phổ cập với người dân địa phương không được đắp đất, quây lưới ngăn dòng chảy trong rừng trồng để nuôi trồng thủy sản hoặc sản xuất kết hợp trong 5 năm đầu.
-
Các năm tiếp theo, nếu có các hoạt động nuôi trồng thủy sản, cần có phương án tránh tổn hại đến rừng chúng ta đã trồng.
🌳 Vậy là chúng ta đã kết thúc quá trình trồng bần rồi đó. Tuy trải qua nhiều giai đoạn đầy khó khăn, vất vả nhưng nghĩ đến tương lai chúng ta sẽ có những rừng bần tươi tốt, phát huy hết sự đa năng kì diệu của mình thì thật sự xứng đáng, đúng không nào.